Nếu bạn lau chùi đồ dùng quá kỹ hoặc không khắc phục ngay các hư hại nhẹ, nội thất trong căn nhà sẽ dễ dàng hỏng nặng hơn, giảm tuổi thọ sử dụng.
Nhiều người sẵn sàng đầu tư số tiền lớn cho nội thất đắt đỏ, hy vọng rằng một món đồ tốt sẽ giúp mình sử dụng thoải mái, lâu bền hơn. Tuy vậy, của bền vốn tại người, không phải ai cũng biết cách giữ gìn và vệ sinh để kéo dài tuổi thọ của đồ đạc.
Insider tổng hợp những sai lầm phổ biến có thể phá hỏng đồ nội thất trong nhà, đồng thời gợi ý cách bảo quản phù hợp.
Lau đồ đạc quá kỹ
Jennifer Litwin, tác giả cuốn sách Best Furniture Buying Tips Ever (tạm dịch: Mẹo mua nội thất hay nhất) và Furniture Hot Spots: The Best Furniture Stores and Websites Coast to Coast (tạm dịch: Những cửa hàng và trang web tốt nhất về nội thất), cho biết việc lau chùi quá kỹ có thể gây hại cho đồ đạc trong gia đình.
Cụ thể, sự chà xát có thể làm bong tróc hoặc mờ xước bề mặt đồ vật, đặc biệt đối với đồ bọc vải da như sofa hoặc ghế tựa.
Thay vào đó, Litwin gợi ý bạn chỉ nên làm sạch những vết bẩn bằng xà phòng pha loãng và một chiếc khăn mềm.
Để đệm sofa ngoài trời
Không ít người thích thiết kế một phòng khách thu nhỏ bên ngoài ban công, trang bị các tấm đệm sofa, gối tựa hoặc chăn phủ.
Tuy nhiên, theo Litwin, không gian này có thể đẹp mắt song rất dễ làm hư hại nội thất của bạn. Thời tiết nắng, mưa kèm theo gió và bụi bẩn chắc chắn sẽ khiến những tấm đệm hư hại nhanh chóng.
Ngay cả khi bạn đã bọc lớp bảo vệ bên ngoài đệm sofa, món đồ này cũng dễ bị ẩm ướt, bám bụi và hình thành nấm mốc. Khi đó, không thể có cách nào khác để vệ sinh tấm đệm của bạn.
Không trang bị lớp chống bẩn cho đồ nội thất có vải bọc
Nếu quyết định sử dụng đồ nội thất có vải bọc (sofa, ghế đệm…), bạn nên chi thêm một khoản tiền để thuê dịch vụ xử lý vải, phủ một lớp dung dịch chống bám bụi cho món đồ của mình.
Theo nhà thiết kế nội thất Iantha Carley của Iantha Carley Interiors, đây là một khoản đầu tư có lợi bởi lớp chống bẩn này có thể kéo dài tuổi thọ món đồ, đồng thời không gây biến đổi màu sắc vải và gây hại cho sức khỏe.
Đặt chậu cây bên trên đồ nội thất
Theo Christophe Pourny, tác giả cuốn The Furniture Bible (tạm dịch: Châm ngôn nội thất), nhiều người thường đặt chậu cây trên mặt tủ, kệ hoặc nội thất khác nhằm trang trí. Tuy nhiên, khi bạn tưới cây, nước có thể tràn ra và khiến đồ đạc nhanh hỏng.
Để tránh điều này, Pourny khuyên mọi người nên tưới nước cho cây ở bồn rửa và tránh làm tràn nước ra bề mặt khác. Ngoài ra, bạn cũng nên sắm những chiếc chậu không có lỗ rò rỉ nước và để chúng ráo nước trước khi đặt lên trên tủ.
Bạn cũng có thể sử dụng đĩa lót chậu cây để giúp sàn nhà hoặc bề mặt đồ nội thất không bị hư hại.
Không khắc phục ngay các hư hại nhỏ
Mọi người nên kiểm tra đồ đạc thường xuyên để kịp thời phát hiện các chỗ ốc vít lỏng lẻo hoặc những vết rách nhỏ…
Việc làm này nên được thực hiện định kỳ, kỹ càng, bao gồm cả bên ngoài và bên dưới đồ đạc.
Càng phát hiện sớm những chiếc ốc lỏng hoặc vết rách nhỏ, bạn càng dễ sửa chữa đồ dùng của mình. Ngược lại, nếu để lâu, các phần hư hại sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Sử dụng chất tẩy rửa dạng xịt trên đồ nội thất
Để không phải dùng đến các bình xịt tẩy rửa hoặc hóa chất đánh bóng, bạn hãy thường xuyên phủi bụi cho đồ đạc.
Dầu – kể cả loại có nguồn gốc tự nhiên, silicon, lọ xịt tẩy bụi có thể khiến bề mặt món đồ dính nhiều bụi bẩn hơn. Chưa kể, về lâu dài, chúng có thể làm hỏng lớp gia công do thấm xuống gỗ.
Cất đồ đạc trong tầng hầm, garage hoặc tầng áp mái
Tầng hầm, garage hay tầng áp mái không phải là những nơi thích hợp để cất giữ đồ đạc, thậm chí còn có thể làm hỏng chúng.
Những nơi này thường quá ẩm/khô hoặc quá nóng/lạnh. Độ ẩm cao có thể khiến đồ gỗ bị cong vênh, còn nhiệt độ cao lại khiến vải dễ phai màu.